Cặp vợ chồng được ông trời ban cho dòng sữa ngọt

Món quà cho người mẹ thiếu sữa

Tôi đi trong bóng mát của những cây vú sữa lấp ló quả xanh non giữa vòm lá sẫm màu rồi ngắm ngôi nhà rộng 200m2 trị giá trên 1 tỉ đồng xây giữa khu vườn lúc nào cũng rộn tiếng chim của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường - bà Quách Thị Toàn ở thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên, Bắc Giang).

Tiểu miệt vườn mang phong cách Nam bộ rộng 1ha ở ven bờ sông Thương đó giúp cho họ có thu nhập mỗi năm 200 - 300 triệu đồng. Nhiều hộ khác ở thôn Cửa Sông này cũng có vườn vú sữa như thế với tổng diện tích khoảng hơn 10ha. Còn trên phạm vi toàn huyện Tân Yên hiện có 86ha vú sữa, tập trung ở xã Hợp Đức và xã Việt Lập, trong đó 16ha đạt VietGAP.

Một góc vườn vú sữa nhà ông Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một góc vườn vú sữa nhà ông Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Cường bảo vú sữa tuy trồng trên đất Bắc nhưng không mất mùa bao giờ, năm nào trời rét nhiều thì quả nhỏ, ấm nhiều thì quả to. Hỏi về nguồn gốc giống, cả buổi sáng trời mưa triền miên đó ông kể cho tôi nghe về chuyện ông trời đã ban cho lộc vợ chồng mình thế nào, hệt như truyện cổ tích.

Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, 5 anh em được bà dì nuôi dưỡng đến năm 1980 thì ông đi bộ đội rồi về quê lấy vợ, sống trong một căn nhà tranh vách đất với vài cái bát sứt mẻ. Lúc đó ông mắc bệnh gan nặng, uống thuốc Nam mãi không khỏi, nhiều phen tưởng đã nằm kề cửa mả.

Vợ ông, bà Quách Thị Toàn từ hồi về làm dâu con trong nhà đã tần tảo cấy cả mẫu ruộng nhưng vẫn không đủ ăn, ngày Tết có hai mâm khách mà còn phải đi mượn bát, đĩa. Bà sinh ba đứa con thì đứa nào cũng thiếu sữa, bị người làng chế giễu là “người đực”, chỉ biết đẻ chứ không biết nuôi. Đặc biệt là thằng thứ hai sinh năm 1987 thiếu tháng trầm trọng, người cứ lạnh toát, tới 12 ngày mới biết mở mắt, khóc ọ ẹ được vài tiếng. Nhìn đứa trẻ quặt quẹo, nhỏ như một con mèo con, ai cũng bảo không sống được nên bà phải sưởi lửa cho nó suốt cả tháng. Thương đứa con khát sữa, ông Cường mang chén đi khắp xóm để xin sữa về rồi dùng thìa cạy mồm nó ra mà đổ.

Nhà chị gái bà Toàn ở xã An Hà (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có cây vú sữa tím. Một buổi chị đến chơi nhà em gái mang theo chừng chục quả vú sữa nhỏ chỉ như cái chén, bảo ăn để lấy sữa cho con. Vợ ăn quả còn ông Cường thì gom hạt lại để gieo. Được 5 cây thì ốc sên ăn mất 2, còn lại thì chia cho anh cả 1 cây, mình trồng 2 cây.

Cây của anh cả trồng lớn nhanh nhưng chẳng đậu quả, còn 2 cây của ông Cường trồng lại sai trĩu cành. Quả của chúng cứ treo kín từ gốc đến ngọn, ông phải chống cành lên kẻo gà mổ mất. Đến lúc chín thì bất ngờ mỗi cây ra một loại quả màu sắc khác nhau, tím và trắng. Vú sữa trắng quả to hơn, đẹp hơn, ngon hơn hẳn vú sữa tím.

Cây vú sữa hơn 30 năm tuổi của gia đình ông Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cây vú sữa hơn 30 năm tuổi của gia đình ông Cường. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Vợ chồng tôi bảo nhau rằng, ai lại trồng hạt cây vú sữa tím mà ra quả trắng bao giờ. Chắc ông trời đã lấy đi dòng sữa mẹ của tôi, thương gia đình mình nghèo mới ban cho cây vú sữa trắng quả ngon và ngọt này. Ban đầu tôi hái quả mang ra chợ Mọc trên huyện bán, người thì bảo sao quả cà to thế, người lại bảo sao quả táo to thế. Tôi bổ thử cho họ ăn, ai cũng khen ngon, hỏi mua. Một quả vú sữa hồi đó có giá bằng một quả trứng gà, đúng 800 đồng”, bà Toàn hồi tưởng.

Mơ ước làm du lịch trải nghiệm

Từ cây vú sữa trắng đó, ông Cường chiết cành trồng dần, thay thế cho đám vải sớm Phúc Hòa trong vườn rồi lại cho họ hàng, bà con mỗi nhà một hai gốc. Cũng thật kỳ lạ, bệnh gan của ông dần thoái lui cùng với sự thành hình của vườn cây vú sữa. Năm 2012, ông Lê Ánh Dương lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nghe tiếng về vườn vú sữa đặc biệt đã đến thăm. Ông Cường chẳng hề biết người đàn ông lạ đang nâng từng cái cành, sờ từng quả ấy là ai cho đến khi được Chủ tịch UBND xã Hợp Đức giới thiệu.

Ông Dương xem rồi bảo với ông Cường, đại ý rằng, cây vú sữa quý như thế thì phải xây dựng thương hiệu, trước hết mở rộng cho anh em trồng, sau đến họ hàng, bà con. Kể từ đó, huyện vào cuộc, mời các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về lấy cây phôi để ghép mắt từ cây mẹ. Tháng nào họ cũng lên, ở trong nhà ông Cường vài ngày để làm thử.

Ông Cường bên gốc vú sữa hơn 30 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Cường bên gốc vú sữa hơn 30 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không có gì khó bằng ghép vú sữa. Có khi vẫn một tay người làm nhưng ghép sáng thì sống, ghép chiều lại chết, lắm lúc thực hiện cả trăm cây mà chẳng được mấy cây. Sau mấy năm, các nhà khoa học mới hoàn thiện kỹ thuật ghép để đạt tỷ lệ sống cỡ 50 - 60%. Khi trồng thử nghiệm cây vú sữa ghép thấy quả to, ăn ngon thì nhà nước mới hỗ trợ dân tiền để mua giống, mở rộng dần diện tích.

Năm 2016, ông Cường thành lập Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức, đứng lên làm Giám đốc. Đơn vị có 20 thành viên, hộ nhỏ cũng 1 mẫu, hộ lớn hơn 1ha. Vùng vú sữa ở ngã ba sông Thương, nơi một con gà gáy ba huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tên Yên cùng nghe đã được hình thành như thế. Lúc này vấn đề lại nổi lên là chuyện bà con hái quả non để bán.

Bà Toàn bị nhiều người buôn ghét ra mặt bởi ngày rằm, mồng một họ đến mua vú sữa, thấy trong vườn quả còn xanh là nhất định bà không bán. “Có người còn bảo thẳng với tôi rằng sao cô dại thế? Cứ quả to vặt cho cháu, còn không ăn được thì mặc kệ khách hàng. Nhưng tôi trả lời rằng, nếu bán như thế thì cháu có tiền nhưng cháu đi chợ có thời, còn cô sống cả đời với cây thì phải giữ thương hiệu. Vú sữa không dấm được, cứ chín ngả sang màu vàng hồng thì vặt ăn ngay là ngon nhất. Vỏ lúc đó chỉ mỏng như vỏ cà chua. Nếu hái xanh thì vỏ dày, để mãi vẫn ăn chát”, bà Toàn kể.

Vú sữa trồng ở Hợp Đức quả rất ngon, ngọt. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vú sữa trồng ở Hợp Đức quả rất ngon, ngọt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chính vì “cứng đầu” như thế mà cả làng đều bảo bà Toàn là dại vì để quả chín bị dơi ăn hay mưa nứt, hao hụt đi nhiều, chẳng thà hái xanh. Có lần một khách đến mua của mấy nhà xung quanh rồi mới đến mua của nhà bà. Bà mở cái túi của khách ra thấy toàn quả xanh mới bảo đổi cho quả chín nhà mình, chấp nhận chịu thiệt chứ nhất định không chịu để đồng tiền làm mờ mắt mà bán rẻ đi thương hiệu vú sữa Hợp Đức. Dần dà người tiêu dùng phía Bắc cũng khôn ra, biết chọn lựa vú sữa chín theo màu sắc chứ không mấy ai mua lầm nữa nên bà con cũng đã hái quả chín hơn, nhất là những thành viên của HTX. Năm 2021, sản phẩm vú sữa Hợp Đức đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

“Vú sữa Hợp Đức là thứ quả chín sớm nhất trong năm ở miền Bắc, tháng tư đã chín rồi. Hơn thế chúng lại ngọt, thơm, thanh mát khác hẳn với vú sữa ở miền Nam, vỏ mỏng có thể bóc, lột ra như cam được, còn cùi thì lại dày. Đó là khách họ đánh giá như thế chứ không phải tôi. Có đợt đoàn khách Myanmar về ăn thử vú sữa ở nhà tôi khen hơn hẳn vú sữa ở nước họ.

Đoàn khách Myanmar đến tham quan vườn vú sữa của ông Cường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đoàn khách Myanmar đến tham quan vườn vú sữa của ông Cường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bao nhiêu năm nay HTX vẫn giữ giá bán ổn định 40.000đ/kg nhưng muốn lấy phải báo trước một thời gian mới có vì sản lượng không nhiều. Trước, vú sữa không có bệnh nhưng dăm năm trở lại đây hay bị ruồi vàng đục quả và nấm. Vợ chồng tôi đã bọc thử quả ở mấy cây thấp, thấy rất to, đẹp, nhưng ngặt nỗi cây trong vườn cao quá nên không thể bọc nổi. Khó nhất bây giờ với HTX là quỹ đất để mở rộng diện tích trồng vú sữa bởi cây vải sớm Phúc Hòa đã có thương hiệu từ lâu, vẫn đang cho thu nhập tốt.

Mùa quả vú sữa chín từ tháng 4 đến cuối tháng 5, người các nơi đổ về có ngày cả chục ô tô, đậu kín đường. Huyện, tỉnh đang động viên tôi để làm du lịch sinh thái, tận dụng tiềm năng sẵn có cây trong vườn, gà trên đồi, cá dưới ao nhưng vợ chồng tôi thiếu vốn, vả lại tuổi cũng đã cao. Giá mà có bên nào đầu tư rồi cùng ăn chia lợi nhuận…”, ông Cường tâm sự.

Theo ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, tỉnh chủ trương mỗi huyện nên có những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, dựa vào lợi thế địa phương để không “dẫm chân” lên nhau. Ví dụ như Tân Yên có vú sữa, măng lục trúc, sâm núi Dành, vải chín sớm và lợn.

Theo DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG/ NNVN 

Các tin khác