Ông nông dân cho ba ba đẻ thành công, nhiều người hỏi mua, bỏ túi 800 triệu đồng

Trước đây, ông Nguyễn Tùng Lâm ở ấp Hoà Hiếu 1, xã Định Hoà, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trồng lúa nhưng không hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Sau một lần tham quan mô hình nuôi ba ba của bạn, ông thích rồi tìm hiểu.

Nhận thấy nuôi ba ba có triển vọng, nhu cầu thị trường cao nên ông quyết tâm học hỏi. Năm 2010, ông Lâm đầu tư xây hai bể xi măng và mua 1.000 con ba ba giống về nuôi. Lần đầu nuôi không có lãi ông tiếp tục mua thêm 1.000 con ba ba giống và xây thêm 4 bể xi măng, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm.

Kiên Giang: Ông nông dân cho ba ba đẻ thành công, nhiều người hỏi mua, bỏ túi 800 triệu đồng - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Tùng Lâm (bìa trái) kiểm tra ba ba giống cung cấp ra thị trường.

Khi nắm chắc quy trình và kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm, ông Lâm tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật ấp trứng để tạo ba ba giống. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm ông tạo được con giống chất lượng.

Năm 2017, ông Lâm quyết định đầu tư hơn 700 triệu đồng chuyển đổi 12.000m2 đất ruộng thành trang trại nuôi ba ba. Với 10 ao nuôi (diện tích 350m2/ao), ông Lâm thả nuôi hơn 10.000 con ba ba giống. Sau 2 năm nuôi, ba ba bắt đầu sinh sản 20 ngày/lần; ba ba sinh sản quanh năm, nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi lần đẻ 12-24 trứng.

Hàng năm, ông Lâm xuất bán khoảng 100.000 con ba ba giống và 5.000 con ba ba thương phẩm (khoảng 5 tấn). Hiện giá ba ba giống khoảng 5.000 đồng/con; ba ba thương phẩm từ 120.000-340.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi ba ba giúp ông Lâm thu lợi nhuận từ 600-700 triệu đồng/năm, đặc biệt năm 2022, ba ba đạt năng suất và giá cao, ông có lợi nhuận hơn 800 triệu đồng.

Kiên Giang: Ông nông dân cho ba ba đẻ thành công, nhiều người hỏi mua, bỏ túi 800 triệu đồng - Ảnh 2.
Ba ba giống hiện được nhiều người tìm mua không đủ cung cấp ra thị trường.

Chia sẻ bí quyết nuôi ba ba đạt năng suất cao, ông Lâm nói: “Người nuôi ba ba thương phẩm thất bại vì không tách con đực và con cái ra hai ao nuôi. Nếu nuôi ba ba lấy giống thì trong ao chỉ nên có khoảng 10% con đực vì số con đực nhiều sẽ cắn chết con cái. Xung quanh ao nuôi phải được chắn bằng vật cứng để tránh ba ba đào hang đi nơi khác. Nước trong ao phải thay thường xuyên, rắc vôi bột và muối để hạn chế mầm bệnh, phèn, diệt khuẩn và sát trùng. Người nuôi nên cho ba ba ăn cá xay sẽ nhanh lớn và tiết kiệm hơn thức ăn công nghiệp”.

Thịt ba ba được nhiều người dân ưa chuộng, ba ba giống không đủ cung cấp ra thị trường. Khi bán ba ba giống, ông Lâm sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Ba ba của ông Lâm được bán cho thương lái các tỉnh lân cận và một số tỉnh miền Trung.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa Danh Hoàng Quan cho biết mô hình nuôi ba ba của ông Nguyễn Tùng Lâm là mô hình kinh tế hiệu quả được Hội Nông dân xã chọn nhân rộng ra hội viên, nông dân. Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 hộ dân nuôi ba ba. Hội Nông dân xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ba ba.

Theo BẢO TRÂN / BÁO KIÊN GIANG 

Các tin khác