Cây nha đam mang kỳ vọng mới cho vùng đất thuần nông

Cây dễ tính, ít sâu bệnh

Theo ông Bùi Sỹ Kiểm, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (Bình Định), cây nha đam từ lâu đã thân thuộc với nông dân An Nhơn. Thế nhưng cây trồng này chỉ được trồng manh mún với giống nha đam sẻ (giống địa phương) để tự cung tự cấp chứ chưa trồng thành vùng hàng hóa với diện tích lớn.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chế Biến thực phẩm Kaizen đã xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ nha đam tại An Nhơn. Để xây dựng vùng nguyên liệu, công ty đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn triển khai mô hình trồng nha đam giống mới nhập về từ Thái Lan để nhân rộng.

Cây nha đam thích hợp với nắng nóng và rất kỵ úng. Tại mô hình, 10.000 cây nha đam được trồng trên diện tích 4 sào đất (500m2/sào) ở xã Nhơn Mỹ. Sau 3 tháng trồng, cây nha đam đang đà phát triển, cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Cây nha đam phù hợp nhất trên đất cát pha, tiếp đến là đất thịt, đất phù sa, đất đỏ bazan... “Thời tiết ở Bình Định, trong đó có An Nhơn thường có mưa dầm nên trồng nha đam trên luống là an toàn nhất, bởi khi trời mưa nước sẽ rút nhanh, không bị úng”, ông Bùi Sẽ Kiểm cho hay.

Tham quan mô hình 10.000 cây nha đam của anh Phạm Chí Linh (sinh năm 1993) ở xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) được hơn 3 tháng tuổi, chúng tôi thấy cây nha đam đang bắt đầu phát triển, mỗi cây ra được 7 - 8 lá. Những lá nha đam bắt đầu phát triển chiều dài, chiều ngang và độ dày.

Ông Bùi Sỹ Kiểm cho biết, giống nha đam sẻ bà con trồng trước đây lá vừa ngắn vừa mỏng thịt, bề ngang của lá hẹp nên cho năng suất rất thấp. Nha đam sẻ phải 18 - 20 lá mới được 1kg. Trong khi giống nha đam Thái Lan rất dày thịt, dài, rộng, lá to phải tới 1kg/lá, lá nhỏ cũng 7 - 8 lạng/lá.

Theo anh Phạm Chí Linh, giống nha đam Thái Lan do Công ty Cổ phần Chế Biến thực phẩm Kaizen cung cấp với giá 5.000 đồng/cây. Tham gia mô hình, anh Linh được Trung tâm Dịch vụ An Nhơn hỗ trợ 50% chi phí mua giống. Trước khi trồng, anh cày tơi đất, vun luống cao 20 - 40cm, rộng 1,5 - 2m; phủ bạt lên luống, khoét lỗ để trồng cây giống với mật độ cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 70 - 80cm.

Trên diện tích trồng nha đam, anh Linh bố trí 2 hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun béc. Lúc cây nha đam còn nhỏ anh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để kết hợp bón phân theo hệ thống tưới. Khi nha đam lớn, anh sử dụng hệ thống tưới phun béc. Anh Linh bón phân cho nha đam theo công thức: 1 bình nước 18 lít pha vào 6 - 9kg phân NPK và tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Trước khi xuống giống, anh Linh bón lót vôi, phân hữu cơ đã hoai mục để bổ sung dinh dưỡng cho đất.

“Cây nha đam không được trồng sâu quá, vì trồng sâu rễ dễ bị thối, trồng ở mực đất vừa phủ rễ cây giống là được. Cho đến giờ này, tôi chưa thấy cây nha đam phát sinh bệnh gì, chỉ bị đốm lá nhẹ nhưng dễ khắc phục. Khi lá nha đam đã phát triển dài, to và dày thì sức đề kháng bệnh càng tốt. Nha đam là cây trồng mới, tôi mạnh dạn làm là do trên địa bàn xã đã có đặt nhà máy chế biến, công ty lại hợp đồng bao tiêu với giá 2.500 đồng/kg. Tính toán ra, không loại cây nông nghiệp nào ở địa phương cho hiệu quả kinh tế bằng cây nha đam”, anh Linh chia sẻ.

Lợi nhuận tốt, không lo tiêu thụ
Theo ông Bùi Sỹ Kiểm, nha đam là loại cây trồng 1 lần thu hoạch nhiều năm. Sau khi trồng 7 tháng, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi bụi nha đam cho thu hoạch mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 2 - 3 lá cuối cùng dưới gốc; tháng sau cũng chỉ thu hoạch 2 - 3 lá dưới gốc đối xứng với 2 - 3 lá đã thu hoạch tháng trước, cứ thế lần lượt hết tháng này đến tháng khác. Khi cây nha đam thu hoạch đã nhiều năm, phía dưới gốc hết lá, người trồng cần vun đất lấp phần thân cây để hạn chế bị gió bão làm ngã đổ.

Đến khi phần thân trống dưới gốc quá cao, phần trên vẫn cho lá nhưng lúc này lá sẽ nhỏ dần, năng suất giảm sút. Khi ấy người trồng sẽ chặt bỏ phần gốc, chỉ để lại khoảng 5cm, sau đó trồng phần gốc cây nha đam lại chỗ cũ, khoảng 2 tháng rưỡi sau cây nha đam sẽ nứt rễ để tái sinh, người trồng tiếp tục chăm sóc, thu hoạch. Vòng đời của cây nha đam lên đến hơn 20 năm, thời gian thu hoạch hiệu quả khoảng 7 năm, hiệu quả tăng dần từng năm.

Nông dân bây giờ không sợ khổ, không sợ đầu tư trồng các loại cây trồng mới để chọn ra cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng họ sợ nhất là trồng ra nhiều rồi không biết bán cho ai, lặp đi lặp lại đoản khúc “được mùa mất giá”. Thế nhưng đối với cây nha đam trên đất An Nhơn lại không lo về đầu ra. Bởi nơi nào có trồng nha đam là Công ty Cổ phần Chế Biến thực phẩm Kaizen sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc.

Theo ông Võ Trần Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Kaizen, nhà máy chế biến nha đam được xây dựng tại thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) từ năm 2000. Hiện nhà máy đang sản xuất khoảng 300 tấn lá nha đam/tháng, mới chỉ đạt 1/5 công suất thiết kế do thiếu nguyên liệu. Do đó, nhu cầu về nguyên liệu của nhà máy đang rất cao.

“Hiện nguồn nguyên liệu nha đam chính của nhà máy là ở Ninh Thuận. Sản phẩm chế biến từ nha đam của nhà máy có hơn 10 sản phẩm, cung cấp cho các công ty chế biến sữa và nước giải khát, các chuỗi thức ăn nhanh, chuỗi pha chế trà sữa, ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác như nước nha đam đóng chai, đóng ly.

Do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng cao nên vùng nguyên liệu Ninh Thuận không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy. Công ty xây dựng nhà máy tại An Nhơn là chiến lược phát triển trong những năm tới”, ông Võ Trần Ngọc Toàn cho hay.

Ông Toàn chia sẻ thêm, một lần về thăm quê Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn), ông thấy không riêng vùng đất quê mình, mà cả thị xã An Nhơn và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đều phù hợp để phát triển cây nha đam. Lực lượng lao động ở Bình Định lại dồi dào, thuận lợi để phát triển vùng nguyên liệu.

Về lâu dài, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Kaizen sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh lân cận trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên để đáp ứng đủ công suất thiết kế của nhà máy. Sản phẩm của công ty hiện cũng đang được xuất khẩu, trong khi Bình Định có Cảng Quy Nhơn nên đặt nhà máy tại An Nhơn rất thuận lợi cho việc xuất khẩu.

“Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Kaizen xây dựng nhà máy tại xã Nhơn Mỹ là cơ hội để nông dân An Nhơn và các địa phương ở Bình Định phát triển cây nha đam nhằm hình thành vùng nguyên liệu.

Mỗi cây nha đam thu hoạch 2 - 3 lá/lần/tháng; 1 sào (500m2) bình quân trồng 2.500 cây, mỗi cây bình quân thu 1kg lá/tháng, vị chi mỗi tháng thu 2,5 tấn lá. Giá bán được bao tiêu trung bình 2.500 đồng/kg (2,5 triệu đồng/tấn), doanh thu hơn 6 triệu đồng/sào/tháng. Sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón, điện nước... khoảng 2 - 3 triệu đồng/sào, người trồng nha đam còn lãi ròng bình quân 3 - 4 triệu đồng/sào/tháng. Đây là lợi nhuận trong mơ của nông dân ở xứ sở thuần nông”, ông Bùi Sỹ Kiểm, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn tính toán.

Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN 

Các tin khác