Một thứ rau mọc la liệt trên đồi, vặt về luộc chấm mắm cái cay, người ta đang săn lùng, là rau dại gì?

Ngoại tôi nói, tàu bay xưa là rau chống đói, vì nghèo quá nên mới lên rừng hái về ăn. Còn bây giờ, tôi thấy người ta tìm mua rau tàu bay nhiều lắm.

Hồi nhỏ, tôi hay lang thang lên đồi. Nhìn những cây cải tàu bay mập mạp lẫn trong mớ cây cỏ, tôi vẫn thường băn khoăn không biết có sự liên hệ nào đó giữa loài cây này với những chiếc tàu bay nhỏ xíu trên trời kia mà người ta lại đặt tên cây như vậy.

Rau tàu bay là một loại rau dại mọc nhiều ở các cánh đồng màu, trên đồi, bìa rừng...Rau tàu bay ăn tốt cho sức khỏe, xưa kia là loại rau ăn chống đói, nay là một trong những loại rau đặc sản...

Những nụ hoa mọc thành cụm, nhỏ xinh như những chiếc chuông. Khi hoa nở có màu trắng xốp, bung ra như những đám mây nhỏ xíu, gió thổi vương khắp cả đồi.

Đồi núi ở miền Trung trồng bạt ngàn cây keo lá tràm. Ở những mảnh đồi vừa mới trồng keo, rau tàu bay không bị khuất nắng, cứ mặc sức mọc dày từng đám. Ngoại tôi hay kể, ngày trước rau tàu bay là thức ăn chính của các chú bộ đội đóng quân trên rừng. Chiến tranh, loạn lạc thiếu thốn trăm bề, loài rau này cũng cứu đói không biết bao nhiêu người dân.

Người đi hái rau tàu bay thường ít nhổ mà bẻ ngang thân cây, để từ nửa thân còn lại tiếp tục nứt nhánh, lên thêm vài ngọn. Từ một cây cải tàu bay có thể ăn được vài lần.

Rau đem về nhặt lấy phần non, chỉ cần rửa sơ là đã sẵn sàng bày biện một cuộc nấu nướng. Tàu bay có thể chế biến thành nhiều món như xào tỏi, nấu canh tôm thịt, đem luộc chấm mắm…

Những buổi trưa trời nóng, húp chén canh rau tàu bay nấu tôm khô ngọt lừ là thấy mát tận đâu đâu. Riêng tôi, từ thuở nhỏ đã mê món rau tàu bay thêm ít rau rừng đem luộc chấm với mắm cái hoặc mắm ớt tỏi cay cay.

Sườn đồi ở quê có nhiều loại rau rừng thơm thảo, hiền lành. Mớ đọt nhãn lồng bò lan, quấn quýt trên bụi cây. Rau mặt trăng mặt xanh mặt đỏ mọc sát đất. Ở những chỗ râm mát, đám rau má rừng cứ bò ken dày, lá nào lá nấy rất to lại xanh um. Dưới chân đồi, ven suối, từng cọng rau dớn mập mạp, đầu uốn cong như con sâu lấp ló. Hái mỗi thứ một ít là đã có một rổ rau ngon lành.

Chẳng cần chế biến cầu kỳ, cũng chẳng cần thịt cá. Bắc nồi nước sôi, bỏ thêm tí muối rồi thả rau vào. Nhìn dĩa rau luộc bày với chén mắm cái dầm ớt hay nước mắm tỏi ớt cay cay là đã thấy thèm.

Rau tàu bay nồng nồng, ngọn nhãn lồng đăng đắng, rau dớn lại hơi nhơn nhớt… Nhưng và miếng cơm nóng, gắp đũa rau có đầy đủ những mùi vị hăng nồng ấy mà chấm mắm cái cay thì chẳng mấy chốc bay cả nồi cơm.

Mỗi bận con cháu đau bụng nhức đầu, ngoại tôi thường không mua thuốc tây mà tận dụng cây cỏ xung quanh. Ngoại nói như rau tàu bay chữa côn trùng cắn rất hay. Mấy ông thầy thuốc cũng thường kiếm rau tàu bay về thái ra phơi khô rồi kết hợp với những loài cây khác để chữa bệnh cứu người.

Mà đâu riêng gì rau tàu bay, những loài rau rừng cũng đều có vị thuốc. Dây nhãn lồng uống trị mất ngủ. Chè vằng phơi khô để những bà mẹ sau sinh dùng uống như trà có thể cho nhiều sữa, tốt cả mẹ lẫn con…

Ngoại tôi nói, tàu bay xưa là rau chống đói, vì nghèo quá nên mới lên rừng hái về ăn. Còn bây giờ, tôi thấy người ta tìm mua rau tàu bay nhiều lắm. Bởi rau chợ tắm đầy phân hóa học và thuốc trừ sâu nên rau rừng trở thành đặc sản được săn lùng.

Nhưng bất luận xưa hay nay, mùa cũ hay mới, những hạt giống rau tàu bay vẫn lặng lẽ thả mình trôi theo gió, neo lại ở sườn đồi rồi bật mầm âm thầm thức dậy. Để rồi mỗi bận ra Giêng, rau mơn mởn ngọt lành mời gọi mọi người đến hái đem về bếp nhà mình.

Theo NHƯ HIỀN/ BÁO PHỤ NỮ TPHCM 

Các tin khác