Bống bớp khỏe nhờ chế phẩm gừng, tỏi

 Kháng sinh tự nhiên từ gừng, tỏi

Nghề nuôi cá bống bớp có ở Nghĩa Hưng cách đây hơn 20 năm.

Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, phù hợp môi trường, thổ nhưỡng vùng Cồn Xanh nên cá bống bớp nhanh chóng được bà con đưa vào nuôi đại trà ở một số xã như Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Nam Điền, Nông trường Rạng Đông…

Cá bống bớp đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực ở Nghĩa Hưng. Thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng vùng đầm bãi Cồn Xanh nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Như bao loài thủy sản khác khi thuần hóa, đưa vào môi trường nuôi nhân tạo, việc phát sinh dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, cá bống bớp Nghĩa Hưng đều được nuôi bằng nguồn thức ăn tươi nên môi trường nuôi luôn biến động khiến cá dễ nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Cao Cương đang cho cá bống bớp ăn hỗn hợp cá nghiền cùng tỏi, gừng. Ảnh: Huy Bình. 
Ông Nguyễn Cao Cương đang cho cá bống bớp ăn hỗn hợp cá nghiền cùng tỏi, gừng. Ảnh: Huy Bình.

Đúc kết sau những trận dịch lớn, thậm chí có đợt gần như xóa sổ vùng nuôi, bà con Cồn Xanh đã tìm tòi, nghiên cứu để đúc kết phương thức nuôi trồng khoa học, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

“Kháng sinh” đặc trị ngừa các loại bệnh đường ruột cho cá bống bớp được người nuôi sử dụng từ gừng, tỏi như một phương thuốc giúp phòng, trị bệnh hiệu quả cho con bống bớp.

Ông Nguyễn Cao Cương, hộ nuôi cá bống bớp lâu năm tại khu Cồn Xanh, xã Nam Điền cho biết, trong quá trình nuôi thương phẩm, cá xuất hiện một số bệnh nhưng phổ biến và nguy hiểm nhất là xuất huyết, lở loét trên thân, đuôi, trên đầu… khiến cá bị cụt râu, xuất hiện đốm đỏ vùng da quanh miệng và hậu môn, vây lưng và vây ngực. Bệnh này do vi khuẩn gây nên có khả năng lây lan rất nhanh, dễ thành dịch.

"Việc nắm bắt liều lượng sử dụng thuốc chữa bệnh không phải ai cũng thạo. Nếu sử dụng thuốc với liều lượng không đúng dễ gây ra tình trạng tái bệnh nhiều lần, trở thành dịch. Hơn nữa, chi phí mua thuốc cũng khá cao nên người dân khi thấy giảm triệu chứng liền ngừng đánh thuốc nên dịch bệnh không được kiểm soát triệt để”, ông Cương cho biết.

Tỏi và gừng được thêm vào thức ăn cho cá bống bớp giúp hạn chế được dịch bệnh và thay thế dần việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng cá bống bớp nói riêng và nuôi trồng thủy sản tại khu Cồn Xanh, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nói chung. Ảnh: Kiên Trung.  
Tỏi và gừng được thêm vào thức ăn cho cá bống bớp giúp hạn chế được dịch bệnh và thay thế dần việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng cá bống bớp nói riêng và nuôi trồng thủy sản tại khu Cồn Xanh, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nói chung. Ảnh: Kiên Trung.

Từ trăn trở đó, người dân đã đi tìm các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Từ gói bột tỏi dùng trong thủy sản của Trung Quốc đã khiến ông Lê Văn Tuẩn, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Nghĩa Hưng đã ngày đêm trăn trở về loại thuốc có nguồn gốc vô cùng gần gũi này.

“Khi biết được bên Trung Quốc sử dụng bột tỏi trộn vào thức ăn cho cá, chúng tôi đã đi tìm hiểu, hỏi ý kiến của các nhà khoa học. Qua các tài liệu nghiên cứu, chúng tôi biết được trong tỏi có chất kháng sinh tự nhiên và đã thử nghiệm cho một số ao. Từ đó, người nuôi đã sử dụng tỏi, gừng tươi khi nghiền cá tạp, cá vụn làm thức ăn cho cá bống bớp và đạt kết quả ngoài mong đợi. Cá sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh, thậm chí kiểm soát được các bệnh liên quan đến ký sinh trùng”, ông Tuẩn nói.

Theo các nghiên cứu, việc sử dụng tỏi tươi vẫn ưu thế hơn tỏi bột do giữ được một số chất kháng sinh quan trọng mà trong quá trình chế biến khô sẽ mất đi.

“Bột tỏi dễ bảo quản và dễ vận chuyển, sử dụng nhưng thức ăn cho cá bống bớp là thức ăn tươi nghiền ra nên việc thêm thành phần này cũng chỉ là thêm một công đoạn chế biến. Hơn nữa tỏi và gừng lại sẵn có tại địa phương”, ông Tuẩn chia sẻ thêm.

Việc thêm tỏi, gừng vào thức ăn cho cá bống bớp sẽ được tăng thêm liều lượng khi vào thời điểm giao mùa là lúc cá dễ mắc bệnh nhất.

Ủng hộ duy trì nhân rộng mô hình

Bà Nguyễn Thị Lương, cán bộ Chi cục Thủy sản Nam Định cũng ủng hộ bà con sử dụng tỏi và gừng như một dạng thức ăn bổ sung như vitamin được thêm vào trong quá trình nuôi để tăng sức đề kháng.

Theo bà Lương, đây là loại thực phẩm có kháng sinh tự nhiên mà con người vẫn sử dụng hàng ngày, thậm chí là bài thuốc dân gian chữa một số bệnh.

Các kháng sinh tự nhiên có trong tỏi, gừng đã góp phần tạo nên thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng, một địa chỉ xanh, nông sản sạch. Ảnh: Huy Bình. 
Các kháng sinh tự nhiên có trong tỏi, gừng đã góp phần tạo nên thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng, một địa chỉ xanh, nông sản sạch. Ảnh: Huy Bình.

Trước đây, khi bà con chưa đưa tỏi và gừng vào sử dụng, khi xuất hiện các bệnh trên đều phải sử dụng kháng sinh. Nhưng không phải người nào cũng có thể nắm bắt được liều lượng cũng như thời gian sử dụng nên dễ để xảy ra tồn dư thuốc kháng sinh.

Trên thị trường có một số loại thuốc thủy sản như thuốc tỏi Tiên Đắc có chiết xuất từ tỏi nên việc sử dụng tỏi tươi nghiền ra cũng không khác là bao. Thậm chí, còn giữ được một số chất có trong tỏi cũng như chi phí nguyên liệu cũng rẻ hơn. Hiện nay, tại Nam Định, tỏi và gừng không chỉ sử dụng trong nuôi cá bống bớp mà còn được sử dụng trong nuôi trồng nhiều loại thủy sản khác như cá trắm đen, tôm, ….

Theo Chi cục Thủy sản Nam Định, tỏi, gừng là một loài thảo dược quen thuộc thường xuyên được dùng để hỗ trợ tiêu hóa, phòng bệnh…

Gừng đã có hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng trong nuôi trồng thủy sản nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích miễn dịch đối với vật nuôi.

Các hợp chất phenolic trong gừng giúp làm giảm kích thích đường tiêu hóa do hội chứng phân trắng gây ra, kích thích sản xuất mật, ức chế co bóp dạ dày khi thức ăn và chất lỏng di chuyển qua đường ruột.

Tỏi có chứa allin, một axit hữu cơ, khi bị đập dập sẽ kết hợp với Allicinase có trong tỏi để tạo thành Allicin. Allicin có khả năng kháng khuẩn và nấm. Chất Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Oxytracilin.

Trong tỏi còn chứa diallyl disulfide; chất này không những mạnh hơn nhiều hai dòng kháng sinh thường đang dùng trong nuôi trồng thủy sản là Erythromycin, Ciprofloxacin mà còn có tác dụng nhanh hơn. Ngoài khả năng kháng khuẩn, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Qua nhiều nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm sử dụng tỏi có nhiều công dụng trị bệnh trên cả người và động vật trên cạn, động vật dưới nước. Dịch chiết tỏi ức chế một số loại nguyên sinh động vật, giảm nhiễm ký sinh trùng với mức độ ảnh hưởng đến môi trường là thấp nhất.

Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào.

Bổ sung tỏi cho động vật thủy sản có thể giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi có thể dùng trong nuôi thủy sản như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học. Tỏi có khả năng ức chế, thậm chí kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản.

Theo KIÊN TRUNG - HUY BÌNH/ NNVN

Các tin khác