Đạo ôn lá nguy cơ xuất hiện sớm, gây hại nặng trên lúa xuân

Theo Sở NN-PTNT Thái Bình, kiểm tra thực tế đồng ruộng cho thấy:

- Đối với bệnh đạo ôn lá, trên cỏ dại nguồn bệnh đã xuất hiện với mức độ nặng hơn nhiều vụ. Dự báo trên lúa, bệnh có khả năng xuất hiện sớm và mức độ gây hại nặng hơn các vụ xuân trước, tập trung ở 2 cao điểm.

Sở NN-PTNT Thái Bình dự báo, bệnh đạo ôn lá trên lúa vụ xuân 2024 có khả năng xuất hiện sớm và mức độ gây hại nặng hơn các vụ xuân trước. Ảnh: MH.
Sở NN-PTNT Thái Bình dự báo, bệnh đạo ôn lá trên lúa vụ xuân 2024 có khả năng xuất hiện sớm và mức độ gây hại nặng hơn các vụ xuân trước. Ảnh: MH.

Cao điểm 1: Bệnh phát sinh gây hại từ đầu tháng 3, gây hại nặng từ trung tuần đến cuối tháng 3 trên các giống lúa nhiễm bệnh cấy sớm như TBR225, nếp các loại, BC15... phân bố chủ yếu ở các huyện phía Bắc (Hưng Hà, Đông Hưng, Bắc Thái Thuỵ).

Cao điểm 2: Bệnh gây hại từ đầu đến giữa tháng 4 trên diện tích lúa sạ và lúa đại trà, đặc biệt là ở các huyện phía nam của tỉnh.

Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại từ 20/4 đến cuối vụ trên trà lúa trỗ bông gặp không khí lạnh, mưa, đặc biệt trà trỗ bông cuối tháng 4, đầu tháng 5.

- Sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 trưởng thành ra cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Sâu non gây hại nhẹ ở đầu đến giữa tháng 3. Lứa 2 trưởng thành vũ hoá từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Sâu non hại từ tuần đầu đến trung tuần tháng 4, mật độ trung bình 30 - 40 con/m2, nơi cao 50 - 80 con/m2.

Lứa 3 trưởng thành vũ hoá từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Sâu non hại lá đòng và lá công năng từ cuối tháng 4 đến tuần 1 tháng 5. Dự báo, mật độ trung bình 50 - 60 con/m2, cao 100 - 200 con/m2; một số vùng ven biển mật độ cá biệt lên đến 300 - 500 con/m2.

- Đối với rầy các loại, vụ xuân 2024 rầy di trú cao hơn cùng kỳ ngay ở cuối tháng 2 từ ký chủ phụ di chuyển ra lúa.

Lứa 1: Rầy phát sinh gây hại từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, gây hại trên giống nhiễm như BT7, tạp giao, nếp... ở chân ruộng trũng hẩu cấy dày, bón phân không cân đối. Dự báo, mật độ phổ biến 200 - 300 con/m2, nơi cao 600 - 800 con/m2, cá biệt 1.500 - 2.000 con/m2.

Lứa 2: Phát sinh gây hại giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Dự báo diện tích hại rộng, mật độ cao, cá biệt có nơi đến hàng vạn con/m2, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến lúa xuân.

Lứa 3: Gây hại từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 ở giai đoạn lúa chín, nếu không phòng trừ kịp thời rầy sẽ gây cháy lúa.

- Đối với sâu đục thân, dự báo sâu đục thân 2 chấm phát sinh 2 lứa. Lứa 1 trưởng thành vũ hóa từ đầu đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo diện hẹp trên lúa từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Lứa 2 trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5, sâu non gây bông bạc cục bộ ở từng vùng có nguồn sâu đục thân cao từ đầu tháng 5 trở đi.

- Bệnh lùn sọc đen gây hại ở 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn 2 gây hại ở giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh khoảng giữa tháng 4 đến cuối vụ sau khi xuất hiện các trận mưa rào, bệnh hại chủ yếu trên các giống BT7, T10, lúa lai... Những ruộng bón phân không cân đối, bón đạm nhiều bệnh sẽ hại nặng hơn.

- Bệnh khô vằn phát sinh gây hại từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5. Dự báo tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 10%, nơi cao 15 - 20%, cục bộ 40 - 50%, mức hại tương đương năm trước. Ốc bươu vàng gia tăng mật độ gây hại trên những vùng úng trũng, lúa non, lúa gieo sạ.

Sở NN-PTNT Thái Bình khuyến cáo, với diện tích lúa đại trà hồi xanh bén rễ, bắt đầu ra lá mới và lúa gieo thẳng đạt 4 lá cần tiến hành bón thúc bằng các loại phân tổng hợp NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm cao để lúa đẻ nhánh thuận lợi, tập trung. Bón thúc cho lúa xuân trước ngày 20/3.

Sở NN-PTNT Thái Bình khuyến cáo, từ đầu tháng 3 trở đi, nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Ảnh: TL..
Sở NN-PTNT Thái Bình khuyến cáo, từ đầu tháng 3 trở đi, nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Ảnh: TL.

Với diện tích lúa trà sớm cần chia lượng phân bón thành 2 đợt bón thúc, tránh hiện tượng lúa trỗ bông trong tháng 4. Với những diện tích lúa sạ có hiện tượng sinh trưởng kém cần sử dụng phân bón qua lá như siêu lân, Penac P… để lúa ra lá mới, sau đó mới dùng phân bón hóa học để chăm bón bình thường.

Về nước tưới, thường xuyên giữ mức nước nông trong giai đoạn lúa đẻ nhánh giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, tập trung; không để ruộng khô ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để nứt chân chim giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống đổ của cây; giai đoạn sau cần giữ đủ nước để cây lúa nuôi đòng, nuôi hạt.

Từ đầu tháng 3 trở đi, khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn trên lá, chủ động phòng trừ ngay từ khi còn ở diện hẹp. Từ cuối tháng 4 trở đi, khi lúa trỗ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi có mưa hoặc không khí lạnh, khuyến cáo nông dân tập trung phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại, căn cứ vào tình hình thực tế trên đồng ruộng để xây dựng các kỳ lấy mẫu nhằm dự tính, dự báo, đưa ra lịch phòng trừ chính xác, kịp thời cho từng đối tượng. Lưu ý, không bón phân và sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng khi nhiệt độ dưới 15 độ C.

Theo TRUNG QUÂN/ NNVN 

Các tin khác