Lão nông hơn 70 năm kết bạn với ong hé lộ bí quyết nghề nghiệp

Ông Thành năm nay đã 82 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh em, ông là con đầu, nên ngay từ khi mới 10 tuổi ông đã theo cha nuôi ong. Từ nhiều năm nay, gia đình ông nuôi 50 - 70 đàn ong. Bình quân mỗi đàn thu 4-5 lít mật/năm. Tính sơ sơ theo giá hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu 50-70 triệu đồng.


Ông Thành đang kiểm tra đàn ong.

Theo ông Thành, nuôi ong chỉ cần kiên trì, chịu khó, biết cách là thành công. Đã gần một đời người nuôi ong nhưng ông chưa gặp thất bại bao giờ.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, ông cho biết: “Muốn cho con ong tồn tại lâu, ít bốc bay, mỗi lần lấy mật phải để lại một ít, nhất là cuối mùa hè. Khi sang mùa thu dù có nhiều mật vẫn để nguyên không lấy. Tôi không bao giờ cho ong ăn đường. Con ong sống tự nhiên quen rồi nên cứ để tự nhiên cho nó tồn tại, càng cho ăn đường càng hư ong. Mặt khác, cho ăn đường thì chất lượng mật bị ảnh hưởng”.

Việc kiểm tra bên trong tổ ong theo định kỳ, ông không làm vì nhiều tổ quá không kiểm tra hết. Nhưng ông thường xuyên kiểm tra bên ngoài tổ, nếu phát hiện có vấn đề gì thì mới kiểm tra bên trong. Khi nhìn bên ngoài tổ ong mà thấy ong bị liệt, ít đi ăn (bị sâu ăn sáp).

Cách xử lý, bắt ong chúa nhốt lại, phá bỏ tầng sâu ăn. Khi đó bắt buộc phải cho ong ăn mật để đàn ong mau khoẻ, chứ không cho ăn đường. Hay khi nhìn tổ ong đi ăn ké về nhiều là đàn mạnh có nhu cầu xây tầng mới, lúc đó kiểm tra để tăng khung cầu tầng cho đàn ong.

Đến tháng 7 âm lịch, quay mật đợt cuối cùng, thì kiểm tra để bớt khung cầu tầng, tầng nào có lỗ ong pha nhiều (lỗ to) thì cắt bỏ đi. Sang tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi lấy mật, thấy tầng nào ong pha nhiều thì phải tách, còn nếu để thì ong kém phát triển. 

Theo Dân Việt

Các tin khác