Túi bao trái trên xoài không gây "độc, hại"

 Sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt: Túi có in chữ Taiwan khi bao trái xoài sẽ làm trái xoài lớn nhanh, đổi từ màu xanh sang màu vàng và bán được giá cao, khiến giá xoài giảm mạnh và rất khó tiêu thụ.


Nông dân Trần Văn Đậm, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè bao trái hết diện tích 0,9 ha xoài cát Hòa Lộc.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) cho biết: “Những năm gần đây, nông dân trồng xoài ở Tiền Giang không sử dụng loại bao trái nhãn hiệu Taiwan, chỉ sử dụng túi bao trái bằng vải và túi giấy dầu. Trước đây, người trồng xoài có sử dụng, nhưng chất lượng như thế nào thì mình không biết”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè khẳng định: Thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, không có cơ sở. Huyện Cái Bè hiện có khoảng 6.000 ha trồng xoài. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, đa số người trồng đều có bao trái xoài. Hiệu quả từ việc bao trái đã được các nhà khoa học chứng minh, còn “độc, hại” thì chưa có cơ sở để khẳng định.

Khi có một số thông tin đăng tải, Sở NN&PTNT đã tìm hiểu và trong tuần này Sở NN&PTNT sẽ có Công văn gửi một số cơ quan thông tin truyền thông và một số cơ quan chức năng về việc khẳng định túi bao trái không “độc, hại” như những thông tin thất thiệt vừa qua.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Túi bao trái được các ngành chức năng khuyến cáo sử dụng từ lâu. Nó đem lại hiệu quả rất cao, bởi vừa chống được các loại sâu bệnh tấn công, vừa hạn chế chi phí sản xuất, sản phẩm được an toàn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin thất thiệt trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến bà con trồng xoài cũng như thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ xoài. Bởi khi thông tin được đưa ra, giá xoài đã giảm gần ½ so với trước đó; mặt khác, ngành chức năng khó vận động nông dân bao trái cho xoài để sản phẩm được an toàn, hướng đến nền nông nghiệp “sạch”.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Trước đây, Quản lý thị trường có tham gia kiểm tra 1 lô bao trái nhập khẩu và có tạm giữ mấy trăm ngàn cái. Sau đó, họ có đưa hóa đơn chứng từ nhập khẩu nên chúng tôi trả lại cho chủ. Còn việc chất lượng ra sao phải kết hợp với các ngành chuyên môn cho lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: “Hiện nay, thành phần trong túi bao trái là gì thì chưa ai trả lời được. Một số cơ quan báo chí nói như vậy nhưng ai khẳng định túi này độc hại?”.

Bao trái là một tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp trái không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Theo tìm hiểu, những nhà vườn sử dụng loại bao trái Taiwan đều xuất sang Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, bao trái trước khi thu hoạch được xem là một trong các kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng phổ biến trong sản xuất cây ăn trái tại nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là một quy trình bắt buộc khi muốn nhập khẩu trái cây vào các nước.

Theo Sĩ Nguyên (Báo Ấp Bắc)

Các tin khác