Nuôi cóc… làm mồi cho kỳ đà

Thịt cóc có hàm lượng đạm và calci rất cao, là nguồn thức ăn không thể thiếu cho các loài động vật hoang dã. Những năm gần đây, các trang trại nuôi trăn, rắn, kỳ đà, phát triển mạnh ở các tỉnh thành trong cả nước vì vậy nguồn cóc trong thiên nhiên ngày một cạn kiệt. Mới đây chị Lưu Thị Minh Tâm, ở thôn 9, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, đã thành công nuôi và cho sinh sản cóc để làm thức ăn cho kỳ đà, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người nông dân.

Chị Tâm cho biết, muốn cho cóc sinh sản được, trước hết phải biết phân biệt con đực và con cái. Cách nhận biết con đực: hình dạng thon hơn, đầu to, bắt con cóc lật ngược bụng lên, ở gần hậu môn có gai giao cấu nhô ra; con cái, có đầu nhỏ, bụng to, gần hậu môn không gai giao cấu. Cách cho sinh sản cũng rất đơn giản, bắt cóc ngoài thiên nhiên về nuôi nhốt chung trong chuồng, chuồng nuôi cóc tận dụng chuồng nuôi heo, hoặc xây mới. Tường xây cao khoảng 80 cm, rộng 2 m, dài tùy theo khổ đất, nền chuồng nên để nền đất, không cần láng xi măng. Trong chuồng có thể đặt các tấm ngói fibro xi măng, ngói sông cầu hoặc những tấm đan làm nơi cho cóc trú ẩn. Cần thiết kế xây một máng nước vừa để cho cóc uống vừa để cóc xuống đẻ khi mưa.

Thức ăn cho cóc đơn giản, không phải tìm kiếm, không mất công cho ăn. Về ban đêm, nhất là trời mưa, chỉ cần thắp một bóng điện gần máng nước, một số con côn trùng như sâu bọ, mối, muỗi, châu chấu, cào cào bay tới bị rơi xuống máng nước, cóc chỉ việc ra ăn. Mùa cóc sinh sản chủ yếu vào đầu mùa mưa. Khi thấy hiện tượng cóc hay kêu vào ban đêm, thời gian kéo dài khoảng 1 tuần sau đó ngưng kêu, chỉ gần 1 tháng sau là cóc đẻ. Khi đẻ cóc thường xuống máng nước, thời gian đẻ kéo dài từ 2 - 3 ngày. Cóc đẻ ra trứng rồi nở thành nòng nọc, nòng nọc ở dưới nước 2 ngày, khi rụng đuôi, chúng tự bò lên bờ.

Hiện nay chị Tâm đang nuôi kỳ đà (dự án của Sở khoa học & công nghệ tỉnh Lâm Đồng), từ 150 con giống ban đầu, qua quá trình nuôi và chăm sóc tới nay đã cho sinh sản được khoảng 500 con. Thời điểm này giá bán con giống kỳ đà khoảng 450.000 đ/kg (loại con từ 1 kg trở lên), giá bán thịt thương phẩm từ 320.000 - 350.000 đ/kg. Nguồn cóc nuôi đảm bảo đủ lượng thức ăn cho kỳ đà, tạo thành quy trình sản xuất kiểu “khép kín” thật tiện lợi, hiệu quả cao.

Ông Trần Hữu Lợi, chủ tịch Hội nông dân xã Lộc An cho biết: “Chị Tâm là chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 9, xã Lộc An, 5 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, một phụ nữ năng động, sáng tạo, là người tiên phong đi tìm tòi, nghiên cứu những con vật mới lạ, mang về nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mô hình nuôi cóc làm thức ăn cho kỳ đà là một mô hình rất mới, làm ăn rất hiệu quả, tới đây chính quyền địa phương có chủ trương tạo điều kiện khích lệ và nhân rộng mô hình này”.
 

Theo KHPT

Các tin khác