Nuôi ba ba: \"Phao cứu sinh\" cho nông dân du mục

Những nông dân nghèo hồi hương từ triền sông Mekong bên xứ Chùa Tháp đang làm giàu nhờ nghề nuôi ba ba bên hồ Dầu Tiếng ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).

Năm 1973, vợ chồng ông Trần Văn Tư và mấy chục hộ làm nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ hoặc ven sông Mekong xứ Chùa Tháp theo bộ đội về vùng giải phóng huyện Tân Biên (Tây Ninh) phát nương làm rẫy. Sau giải phóng, tưởng được sống thanh bình, nhưng bọn Polpot từ bên kia biên giới tràn sang đốt trụi căn nhà tranh của vợ chồng ông. 

 Lò ấp trứng ba ba của hộ ông Trần Văn Tư.Những nông dân du mục

Trong cảnh họa vô đơn chí, năm 1989 biết nhà nước đang thi công công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, ông Tư đưa vợ con cùng hàng chục hộ từ Campuchia xuống xã Phước Minh cạnh hồ Dầu Tiếng dựng chòi sắm lưới bắt cá đong gạo sống lay lắt qua ngày. Nhưng cũng chỉ được 6 năm, sau đó bị nhà nước giải tỏa, ông Tư và những hộ khác lại di sang xã Phước Ninh dựng lại chòi gần khu di tích “Căn cứ Phạm Hùng” bên chân đập hồ Dầu Tiếng.

Nhờ tằn tiện, có chút vốn, ông Tư, ông Thinh và hàng chục hộ sống đời du canh rủ nhau đóng bè nuôi cá như thời ở bên Campuchia. Để bảo vệ nguồn nước, năm 2005 chính quyền cấm nuôi cá trong lòng hồ làm cuộc sống gia đình hai ông cùng mấy chục hộ chưa dám mơ ngày thoát cơn bĩ cực rơi vào thế cùng quẫn. “Chả lẽ rủ nhau vô căn cứ, ông Hùng chặt trộm cây của rừng phòng hộ làm củi bán. Vả lại, cả đời chỉ quen nghề đánh bắt, nuôi thủy sản”-ông Tư nhớ lại.

Đã có phao cứu sinh

Năm 2007, ông Tư rủ ông Thinh lên huyện Tân Châu thấy một số ND nuôi ba ba cho lợi nhuận cao phù hợp với điều kiện môi trường ấp Phước An, xã Phước Ninh. Trở về, hai ông đề xuất Hội ND xã kiến nghị với chính quyền cho các ông thiết kế ao nuôi trên đất vườn nhà mình. Để “chắc ăn”, Hội ND xã Phước Ninh tổ chức đưa ông Tư, ông Thinh và một số ND sang huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), Bình Dương… tham quan mô hình nuôi ba ba thành công và mua con giống.

Tháng 6.2009 Hội ND huyện Phước Ninh lập dự án “Nghề nuôi ba ba” vay 200 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH hỗ trợ 18 hộ nuôi ba ba. “Nhờ đồng vốn này chúng tôi không phải đi vay lãi nóng chợ đen mua thức ăn cho ba ba” - anh Tư kể. Từ một ao ban đầu nay anh Thinh có 8 ao, diện tích 640m2, Năm 2011, anh bán hai đợt ba ba thu 210 triệu đồng. Tết Nhâm Thìn vừa rồi anh thu vài trăm triệu đồng.

Gia đình ông Trần Văn Tư có 6 ao nuôi ba ba, năm 2010 thu 450 triệu đồng; năm 2011 thu gần 300 triệu đồng. Ngoài nuôi ba ba thương phẩm ông Thinh, ông Tư, anh Chinh còn cho ba ba sinh sản để bán con giống cung cấp cho làng nghề ba ba ấp Phước An. “Những hộ nghèo chưa đủ vốn đầu tư, tôi bán thiếu cho tới khi thu hoạch, không tính lãi. Đến nay tôi hỗ trợ 9.000 con giống cho bà con theo phương thức này” - ông Tư cho hay.

Mới ở Campuchia về Phước Ninh tròn 5 năm với hai bàn tay trắng, gia đình ông Lê Văn Hiến cũng xây được 7 ao nuôi ba ba. Nhờ đánh bắt cá tự nhiên bằng lưới trong hồ Dầu Tiếng (có giấy phép khai thác) tạo thêm nguồn thức ăn, giảm giá thành “đầu vào” giúp anh Hiến thu lợi nhuận khá cao. Vợ chồng anh Lê Hoàng Tuấn ngoài mở cơ sở xe nhang, cũng xây 3 ao mỗi đợt thả 1.500 con. Cuối tháng 11.2011, anh bán 500kg thu gần 100 triệu đồng….

Nói về nghề ba ba ở chi hội Phước An, ông Trần Văn Tư cho hay: “Không chỉ lo vốn cho chúng tôi, Hội ND còn liên hệ với Công ty Thu mua nông sản Tiền Hậu (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm cho người nuôi, giá từ 250.000-290.000 đồng/kg”.

Theo DÂN VIỆT

Các tin khác