Nhận diện một số loại hải sản độc

Viện hải dương học Nha Trang đã có khuyến cáo về việc nhận dạng một số loài hải sản độc tại các vùng biển Việt Nam, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc, thậm chí ngộ độc dẫn đến tử vong.

Về cá độc: có nhiều loại cá độc ở biển như cá nóc, cá mặt ngựa, cá hồng chấm bạc, cá mặt quỷ, cá đuối... Trong đó, độc nhất là cá nóc. Trong số 66 loài cá nóc phát hiện tại Việt Nam, có 21 loài không có độc tố. Song, loài nào có độc tố và loài nào không có độc tố, đó là một câu hỏi khó.

Mặt khác, ngoài một số loại cá nóc có hình dạng đặc trưng, dễ nhận biết, một số loại cá nóc khác không mấy khác biệt với các loài cá không độc. Các nhà khoa học xác định có 21 loài cá nóc độc, gồm các loại: cá nóc vằn, cá nóc chấm cam, cá nóc vằn mặt, cá nóc sao, cá nóc dẹt valăng, cá nóc răng rùa, cá nóc nhím sáu vằn, cá nóc nhím ba vằn, cá nóc nhím chín vằn đen, cá nóc nhím chấm đen, cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc đầu thỏ chấm tròn, cá nóc đầu thỏ vằn vện, cá nóc chuột vân bụng, cá nóc chuột vằn mang, cá nóc chuột chấm son, cá nóc chuột chấm sao, cá nóc chóp, cá nóc hòm dô trán, cá nóc sừng đuôi dài.

Các loài cua độc:
độc tố trong cua có dạng “saxitonin” nằm trong thịt và trứng, nhiều nhất là trong thịt càng và chân cua. Một người ăn chỉ 0,5 g thịt càng cua loại này là có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Viện hải dương học đưa ra các nhận dạng của một số loài cua độc sau: cua mặt quỷ có phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90 mm, dài khoảng 55 mm, có nhiều u lồi dẹt. Cua sống có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng.

Ngón các chân kìm có màu nâu đen. Cua mặt quỷ có ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp. Cua hạt có vỏ, đầu, ngực dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30 mm, rộng nhất khoảng 40 mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía, đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3 m, tại Hòn Tằm (Nha Trang).

Cua Phơ-lo-ri-đa có vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang, dài nhất khoảng 35 mm, rộng nhất khoảng 50 mm. Mặt lưng của vỏ đầu ngực lồi, láng, khó xác định các vùng. Cua sống có màu xanh da trời nhạt hơi lục, với những vết loang màu đỏ tía sậm hơi nâu hoặc hơi xanh lá cây trên mặt lưng vỏ đầu ngực, các ngón chân kìm màu nâu sậm.

Ốc độc: ở nước ta, loại ốc độc sống ở ven biển phía nam từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu và các đảo, gồm có: ốc cối địa lý vỏ có dạng hình trứng dài, có thể dài hơn 150 mm. Vỏ mỏng, nhẹ, dễ vỡ. Chóp xoắn thấp, có ngấn và viền ngoài tạo thành hình răng cưa. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang hơi tím. Hoa vân của vỏ hình mạng lưới màu nâu và hai hàng vệt lớn màu nâu. Ốc cối hoa lưới vỏ có dạng hình trứng thuôn, dài tối đa 130 mm, vỏ dày, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón, vòng xoáy đều và láng. Màu sắc của vỏ thay đổi, thường là trắng hơi xanh.

Theo KHPT

Các tin khác