Thành công trồng dưa lưới bằng công nghệ cao

 

 Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) đang chuẩn bị thu hoạch vụ dưa lưới trồng bằng công nghệ cao. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất dưa lưới chất lượng cao, sạch bệnh và an toàn thực phẩm. 
 
 Hai giống dưa lưới được đưa vào sản xuất vụ này gồm giống Thúy Phượng và Chu Phấn có xuất xứ Đài Loan. Dưa lưới ở đây được trồng trong các nhà màng, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà tứ bề có lưới ngăn côn trùng, mái thưng bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Người vào vườn trước hết phải đi qua hệ thống cửa độc lập ngăn côn trùng vào theo rồi mới qua cửa thông vào vườn.
 
Cây dưa được trồng trong các giá thể (bầu) lớn, và được lót bạt cao su nên cây không trực tiếp tiếp đất. Hệ thống không khí được điều chỉnh bằng cảm biến và các quạt thông gió với bên ngoài hoạt động cài đặt theo chế độ tự động (automatic) để nhiệt độ trong vườn luôn đạt mức cần thiết cho dưa. Hệ thống tưới nước cho khu vườn dưa (và chung cho cả các khu vườn khác) thuộc loại đặc biệt nhất của Israel.
 
Trong nước hiện chỉ vài ba cơ sở có lắp đặt hệ thống tưới từng cây theo chế độ cài đặt trên diện tích 20 ha này. Hệ thống ống từ máy tưới dẫn nước đến tận gốc dưa theo đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết theo chế độ cài đặt vi tính. Việc bón phân kết hợp với việc tưới nước cũng được cài đặt với các chủng loại phân, liều dùng… hoàn toàn tự động bổ sung vào tưới nước cho dưa. 
 
Hiện nay, 8.000 m2 dưa đang vào vụ thu hoạch (theo từng đợt). KS. Nguyễn Văn Quán, phó phòng nghiên cứu công nghệ và ứng dụng phụ trách vườn dưa lưới cho biết: Năng suất các vườn đạt khoảng 4.500 - 5.000 kg/1.000 m2 (45 - 50 tấn/ha). Biết được Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa lưới, dưa hoàng kim thành công, nhiều siêu thị, công ty chuyên doanh trái cây, suất ăn… đến đặt hàng.
 
Về ưu điểm, từ khâu chọn giống, ươm giống, hỗn hợp đất dinh dưỡng trồng cây phù hợp và đã được khử khuẩn, mỗi dây dưa leo trên mỗi dây độc lập phân bổ lá đều, không bị trầy xước hay giập nát, bầu không khí trong nhà màng sạch ổn định… cây dưa cứ thế mà lớn, đồng loạt ra trái. Nhà màng có thể cho trồng dưa quanh năm, đó là ưu thế mùa vụ. Về hạn chế của nhà màng, KS. Quán nói: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa, nếu cải tiến ánh sáng được nhiều hơn cho cây dưa trong nhà màng có thể cho hiệu quả cao hơn. Điểm yếu nữa là giá thành; hiện khó mà phân bổ vốn quá cao cho lắp đặt hệ thống nhà màng, các hệ thống tưới, điều hòa không khí…”.
 
ThS. Lê Văn Cửa, phó giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao cho biết, giai đoạn đầu đưa vào vận hành nhà màng với mục đích tạo ra sản phẩm, đồng thời rèn luyện tay nghề và khả năng quản lý của cán bộ và công nhân. Sau khi tạo ra sản phẩm tiêu dùng một cách thuần thục tiến tới tạo ra giống cây trồng chất lượng cao bằng công nghệ cao. Có tạo ra giống cây trồng chất lượng cao để chuyển giao vào sản xuất mới có thể cải thiện được sản xuất nông nghiệp thành phố và các tỉnh. Ở các nước tiên tiến, khoa học công nghệ cao tập trung vào khâu giống, tạo ra thế mạnh cạnh tranh của nền nông nghiệp.
 
Theo KHPT

 

Các tin khác