Bỏ tập quán trồng lúa xuân hè

Sóc Trăng là tỉnh gieo trồng vụ XH lớn nhất ĐBSCL. Vụ XH 2013, tỉnh này xuống giống gần 60.000 ha, vượt xa so với kế hoạch 40.000 ha. Đây cũng là tỉnh có diện tích lúa XH bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này đã có 4.920 ha lúa ở Sóc Trăng bị thiệt hại do hạn và ngộ độc phèn. Đây là vụ chịu tổn thất nặng nề nhất từ trước tới nay. Trước đây vụ XH vẫn được đánh giá cao. Nhưng sau thất bại của vụ XH năm nay, tỉnh đã thấy rõ sự bất cập.

Sở dĩ những năm qua, nông dân Sóc Trăng vẫn ham vụ XH là bởi nếu “thuận buồm xuôi gió” thì năng suất còn cao hơn cả vụ ĐX. Nhưng chẳng phải lúc nào trời cũng chiều lòng người. Trong 4 vụ XH gần đây nhất thì 2 vụ năm 2011 và 2012 nông dân trúng mùa, 2 vụ năm 2010 và 2013 thất bại. Vụ 2013 thất bại nặng nề hơn vụ 2010. Như vậy, làm vụ XH ở Sóc Trăng đã ở vào tình thế bấp bênh, “5 ăn 5 thua”.
PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay nhìn chung vụ XH năm nay ở nhiều nơi tại ĐBSCL đã thất bại lớn do hạn hán và xâm nhập mặn… Vì thế, việc phải bỏ ngay vụ lúa XH từ năm tới đang trở thành một yêu cầu bức thiết.

Nhưng hiện nay, mỗi năm vụ XH vẫn đang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 150.000 lao động trong quãng thời gian giữa 2 vụ ĐX và HT. Nếu không trồng lúa XH, nông dân sẽ làm gì?

Để giải quyết câu hỏi này, cách tốt nhất là mạnh dạn đưa cây trồng cạn vào trồng trên nền đất lúa vụ XH. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, các tỉnh ĐBSCL đã sẵn sàng chuyển từ 100.000 - 200.000 ha lúa XH sang cây trồng cạn như bắp, đậu nành, mè…

Đây đều là những cây có tiềm năng phát triển vụ này, nhất là cây đậu nành. Đậu nành là cây trồng cạn được trồng từ lâu ở ĐBSCL. Xét về cơ cơ cấu mùa vụ, đậu nành có thể trồng được quanh năm ở ĐBSCL, nhưng nông dân nên SX theo mô hình 2 lúa một màu, tức là trồng đậu nành vào vụ XH ngay sau khi kết thúc vụ lúa ĐX.

Hiện nay, đậu nành đã được luân canh trên đất lúa trong vụ XH ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, phần lớn diện tích lúa ở các huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang)… đã được trồng đậu nành.

Ở TP Cần Thơ, cũng đã xây dựng những mô hình luân canh lúa - đậu nành. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Vĩnh Long… đã chủ động luân canh đậu nành trên đất lúa theo công thức lúa ĐX - đậu nành XH - lúa HT…

Theo ông Dư, về kỹ thuật, giống, quy trình canh tác… đậu nành, chúng ta đều đã sẵn sàng. Duy có khâu cơ giới hóa trong SX đậu nành gần như chưa có gì. Nhưng khó khăn nhất đối với phát triển đậu nành là ở khâu tiêu thụ.

Ông Dư khẳng định nông dân không còn muốn chỉ trồng lúa như trước đây, họ đã sẵn sàng trồng đậu nành và các loại cây trồng cạn khác, nhưng ai sẽ mua cho? Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển đậu nành vụ XH nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mấy quan tâm về việc này.

Hiện bắt đầu có hy vọng về giải quyết đầu ra cho cây đậu nành trồng trên đất lúa. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với Cty Vạn Đức Tiến (Tiền Giang) quanh việc Cty này mong muốn được thành lập trung tâm khảo cứu giống đậu nành tại tỉnh Đồng Tháp. Trong buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã cam kết ủng hộ công ty thành lập trung tâm khảo cứu giống đậu nành, phát triển mô hình luân canh lúa - đậu nành vụ XH.

Trước đó, Sở NN-PTNT Đồng Tháp cùng Cty Hùng Cá ký kết xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha đậu nành ở tỉnh này. Ngoài việc đầu tư vùng nguyên liệu để phục vụ SX thức ăn cho cá tra, Cty Hùng Cá cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu đậu nành để giúp người trồng có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo TS Tạ Quốc Tuấn, Viện Chính sách & chiến lược phát triển NNNT, để chuyển lúa sang cây đậu nành nói riêng và cây màu nói chung, cần phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi nhằm cung cấp đủ nước tưới cho đồng ruộng không kề sông rạch, tức là nằm sâu trong nội đồng.

Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

Các tin khác