Triển vọng từ mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học

Tổng đàn gia cầm hằng năm của tỉnh trên 10 triệu con, cung cấp số lượng lớn thịt, trứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là nguồn doanh thu chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng doanh thu của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Chăn nuôi gia cầm là một ngành nghề truyền thống của nông dân trong tỉnh, chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn người dân vẫn còn chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát. Nghề nuôi vịt thường chăn thả theo hình thức chạy đồng, thả nuôi tự do trên sông ngòi, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường và rất khó quản lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Xuất phát từ thực tế đó, để giúp nông dân nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (ATSH), góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi ở địa phương theo hướng tập trung, từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện dự án nuôi vịt thịt theo hướng ATSH tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Năm 2014, nhằm định hướng phát triển ngành hàng vịt trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và tạo ra sản phẩm thịt chất lượng cao, giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt ATSH với số lượng 14 nghìn con vịt thịt, tổng kinh phí thực hiện trên 385 triệu đồng, thực hiện tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười.

Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 60% con giống, 15% thức ăn 2 giai đoạn 0 - 3 tuần và 4 - 10 tuần tuổi, 100% chế phẩm sinh học (BALASA) để làm đệm lót.

Sau hơn 3 năm thực hiện dự án nuôi vịt thịt theo hướng ATSH, bước đầu nhận thấy, mô hình mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc định hướng, tổ chức lại khâu sản xuất trong nông dân. Mô hình chăn nuôi vịt thịt ATSH tạo thêm việc làm cho người dân ở nông thôn; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, chủ động và kiểm soát được dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học - nhu cầu tất yếu của nền chăn nuôi hiện đại

 

Mô hình không những giúp quản lý tốt dịch bệnh mà còn rút ngắn thời gian nuôi, không lệ thuộc mùa vụ và thời tiết, tỉ lệ nuôi sống cao trên 95%, trong khi tỉ lệ hao hụt nuôi vịt chạy đồng tương đối cao từ 20-30%, giảm chi phí nhân công, góp phần tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, bước đầu nhận thấy nông dân từng bước nhận thức rõ tầm quan trọng của hình thức chăn nuôi tập trung ATSH. Tuy nhiên, việc áp dụng còn hạn chế do còn chờ đợi sự hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người nuôi khi đầu tư chuyển đổi sản xuất theo qui trình mới. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi chưa mặn mà với qui trình sản xuất mới là do đầu ra của sản phẩm chưa đảm bảo.

Nhiều nông dân bày tỏ sự ngần ngại khi giá của vịt nuôi theo quy trình ATSH và nuôi thông thường không khác nhau nhiều. Bởi hiện tại, phần lớn vịt nuôi theo quy trình được tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống thương lái. Giá cả vẫn còn biến động theo mùa vụ, trong khi chi phí sản xuất lại khá cao nên phần nhiều nông dân vẫn chưa thật sự tha thiết.

Anh Trần Văn Nghĩa ngụ ấp Mỹ Đông 3, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh tâm sự: “So với nuôi vịt chạy đồng thì nuôi tập trung theo hướng ATSH có nhiều ưu thế hơn như: vịt mau lớn, ít hao hụt, dễ chăm sóc và quản lý dịch bệnh... Song song đó, do vịt được nuôi tập trung, chi phí đầu tư cao nên giá thành khó cạnh tranh như nuôi vịt chạy đồng. Tôi nghĩ, nếu được sự tiếp sức từ doanh nghiệp trong việc cung ứng thức ăn, con giống và bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định thì việc chuyển đổi sản xuất là chuyện dễ dàng. Bởi đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả, lợi nhuận cao vì thời gian chăn nuôi khá ngắn phù hợp với điều kiện sẵn có của nhiều nông hộ”.

Ngành hàng vịt là thế mạnh riêng của Đồng Tháp, đây còn là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đầu tư. Ngành hàng này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn khi doanh nghiệp và nông dân cùng tạo được sự gắn kết bền vững.

Theo Báo Đồng Tháp

Các tin khác