Chuyển đổi cây trồng vùng chuyên canh

Huyện Giang Thành (Kiên Giang) là vùng chuyên canh lúa, Phụng Hiệp (Hậu Giang) là vùng chuyên canh mía nhưng nông dân nơi đây đã mạnh dạn “chia tay” với cây trồng truyền thống để chuyển sang trồng bắp (ngô). Sự mạnh dạn chuyển đổi đã mang lại cho nông dân những vụ mùa bội thu và hiệu quả kinh tế cao hơn độc canh.

Chúng tôi về xã Vĩnh Phú (Giang Thành) khi những cánh đồng lúa đã được thu hoạch xong, đất đai đang được cày ải để chờ gieo sạ vụ lúa tiếp theo.


Nông dân xã Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Hậu Giang thu hoạch bắp lai đạt năng suất 10 - 12 tấn/ha

Thế nhưng, giữa bốn bề mênh mênh đó lại hiện lên những cánh đồng bắp lai đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển, xanh mơn mởn. Ít ai ngờ rằng, chủ nhân của những ruộng bắp ấy lại là những lão nông đã quá nửa cuộc đời gắn bó với cây lúa.

Ông Hai Dũng (Lê Anh Dũng), nông dân ấp Mẹc Lung, xã Vĩnh Phú cho biết: “Tôi và nhiều nông dân ở đây đã quen với việc trồng lúa, nhưng do thị trường đầu ra gặp khó khăn nên khi được Phòng NN-PTNT huyện giới thiệu về giống bắp lai DK 6919 cho hiệu quả cao đã mạnh dan đăng ký trồng thử nghiệm 5.000 m2.

Vụ đầu chưa có kinh nghiệm nhưng năng suất vẫn đạt khá cao, 3,2 tấn/5.000 m2, giá Cty bao tiêu 5.400 đ/kg, tổng thu trên 17 triệu đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 50%, trong khi lúa chỉ được 30% là cao”.

Theo ông Hai Dũng, cây bắp lai tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh nhưng cái khó hiện nay là máy móc phục vụ cho cơ giới hóa trồng bắp còn hạn chế nên chi phí tăng cao. Nếu được đầu tư cơ giới hóa như cây lúa thì chắc chắn trồng bắp sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều.

Những nông dân mạnh dạn trồng bắp không chỉ vui với niềm vui trúng mùa mà còn rất phấn khởi khi biết sẽ được Chính phủ hỗ trợ 2 triệu đ/ha từ việc chuyển đổi từ lúa qua màu.

Ông Nguyễn Thanh Phương (Năm Phương) ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ đã chuyển đổi 1 ha mía sang trồng bắp cho biết: “Nông dân chúng tôi chuyển đổi là do thực tế nhu cầu thị trường, nhưng được biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nên rất phấn khởi. Hy vọng chính sách này sớm được triển khai".


Nông dân xã Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Hậu Giang chăm sóc ruộng bắp nếp

Sau thành công bước đầu, ông Hai Dũng đã quyết định mở rộng diện tích trồng bắp lên tới 5,5 ha, hiện bắp trong giai đoạn trổ cờ, phát triển rất tốt.

Tương tự, hộ ông Phạm Văn Hừng (Hai Hừng), ấp Mẹc Lung sau khi tham quan và dự hội thảo đầu bờ về mô hình trồng bắp lai của ông Hai Dũng về cũng quyết định đầu tư làm 5 ha bắp lai.

Do đây là lần đầu tiên chuyển từ trồng lúa sang trồng bắp nên ngoài việc được tập huấn về kỹ thuật, nông dân còn được Cty TNHH Dekalb Việt Nam hỗ trợ 100% giống, Trung tâm KN-KN Kiên Giang hỗ trợ 30% phân bón, thuốc BVTV và được Cty TNHH Tài Lộc (Cần Thơ) ký hợp đồng bao tiêu với giá sàn 3.250 đ/kg nên rất phấn khởi.

Bắp đang phát triển tốt, không có dịch sâu bệnh phá hoại nên ông Hai Hừng kỳ vọng sẽ có một vụ mùa thắng lợi với loại cây trồng mới này.

Tại xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã có hàng chục hộ dân mạnh dạn bỏ mía để chuyển sang trồng các giống bắp nếp, bắp lai với diện tích hàng chục ha. Ông Nguyễn Văn Khul ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ có 6.500 m2 (6,5 công) đấ trồng mía, nhưng do vụ mía 2013-2014 giá mía xuống thấp nên đã chuyển sang trồng bắp (2 công bắp nếp, 4 công bắp lai).

Theo ông Khul, trồng bắp tốn công hơn trồng mía nhưng bù lại thời gian canh tác ngắn, mau thu hồi vốn. Nếu trồng bắp nếp thì chỉ hơn 2 tháng là thu hoạch, còn bắp lai thì 3 tháng là thu hoạch. Vì vậy, mỗi năm có thể làm 2 - 3 vụ bắp, 1 vụ lúa.

Trong khi trồng mía cả năm mới có 1 vụ. Dù mới là vụ đầu tiên tham gia chuyển đổi nhưng năng suất bắp lai (giống DK 6919) ở Phụng Hiệp đều đạt năng suất rất khủng, từ 10 - 12 tấn/ha.

Theo NNVN

Các tin khác