Phát triển sinh kế giúp nông dân ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu từ lâu đã trở thành mối đe dọa lớn đến tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực và tính mạng con người. Nhận thức được mối nguy này, thời gian qua, nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai đồng bộ trên cả nước, nhằm giảm nhẹ những rủi ro do thiên tai gây ra.

Nam Định - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu - đã có nhiều giải pháp giảm "mối nguy toàn cầu này" như trồng lúa chống mặn, trồng rừng ven biển, nuôi lợn không mùi cũng đang được áp dụng, bước đầu cho thấy những thuận lợi, giúp nông dân phát triển sinh kế và làm giàu biển.


Chăm sóc lúa chất lượng cao đạt yêu cầu xuất khẩu. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Từ trồng lúa chống mặn...

Hiện nay, tỉnh Nam Định có khoảng trên 80.000 ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên tình trạng hạn hán kéo dài kết hợp với triều cường đã làm cho một phần lớn diện tích đất canh tác tại các huyện ven biển ở tỉnh này bị nhiễm mặn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, tại 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có khoảng 12.000 ha đất canh tác bị nhiễm mặn; trong đó có khoảng 5.000 ha nhiễm mặn nặng, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nơi “mất” khả năng canh tác.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Đặng Thị Yến-một nông dân ở thôn Thị Tứ, (Giao Xuân, Giao Thủy) cho biết, những năm gần đây nông dân miền biển ở đây luôn phải đối mặt với tình trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn, năm nào cũng phải hứng bão, nước biển dâng.

“Thực tế thì mấy năm qua, việc trồng lúa - nguồn sống chính của người dân đã gặp rất nhiều rủi ro. Cũng vì lúa không chịu được mặn nên năng suất chỉ 50-60kg/sào, có ruộng cấy xong còn không thể thu hoạch được,” chị Yến tần ngần nói.

Trước thực tế đó, bắt đầu từ vụ mùa năm 2013, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, cô Yến và một số người dân trong xã đã lựa chọn canh tác những giống lúa mới có khả năng thích ứng, sinh trưởng khỏe trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Cụ thể, thay bằng cấy giống lúa truyền thống như BC, bắc thơm, cô Yến đã lựa chọn cấy những giống lúa mới được khuyến cáo có khả năng chịu mặn, chịu rét cao như RVT, CT16. Nhờ đó, ruộng lúa của cô Yến trong vụ mùa năm 2013 vừa qua đã không bị chết, với năng suất lúa cuối vụ đạt 120 kg/sào.

Cùng mang diện mạo mới về sản xuất nông nghiệp, từ khi chuyển sang trồng “giống lúa chống biến đổi khí hậu,” bà con tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy cũng tỏ ra phấn khởi vì những sào lúa ngập mặn cho thu hoạch cao hơn giống lúa bình thường.

Chia sẻ với phóng viên về hiệu quả của "giống lúa chống mặn," ông Trần Văn Tường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hùng Tiến, xã Giao Tiến chia sẻ: “Với trà lúa RVT, hiện nay năng suất có những ruộng trên địa bàn đã đạt trên 200kg/sào. Nhờ đó, bà con dường như đã không phải lo lắng khi đất ruộng bị nhiễm mặn.”


Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi liên kết, an toàn dịch bệnh. (Nguồn ảnh: TTXVN)
 

…đến nuôi lợn không mùi

Không chỉ trồng lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, ngư dân ven biển ở các xã Giao Xuân, Giao An, Giao Lạc thuộc huyện Giao Thủy còn áp dụng chuyển đổi nhiều hình thức nuôi trồng khác ngay tại vùng đất ngập mặn như nuôi cá, nuôi cua, trồng nấm, nuôi lợn thân thiện với môi trường và cho thu nhập cao.

Có mặt tại khu chăn nuôi lợn rộng gần 50 mét vuông, nằm ngay sau nhà của gia đình ông Tần Văn Mật ở xóm 22 xã Giao Lạc, thay vì phải bịt khẩu trang, chúng tôi đã ngạc nhiên vì khu chăn nuôi này không hề có mùi hôi thối, chuồng nuôi được xử lý sạch sẽ.

Theo tiết lộ của ông Mật, sở dĩ chuồng nuôi lợn của gia đình ông không có mùi hôi thối là vì nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi bằng "đệm lót sinh học” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tư vấn, hỗ trợ.

“Từ khi nuôi theo mô hình này, tôi thấy khoái lắm, vừa không ô nhiễm lại cho thu nhập cao. Nhiều tay buôn lợn tới mua còn xuýt xoa bảo nhà ông nuôi lợn sao mà sạch thế,” ông Mật phấn khởi chia sẻ.

Theo lời kể của ông Mật, trước đây nuôi lợn ở trong vùng thường rất mất vệ sinh, hàng xóm láng giềng nhiều lúc cũng chỉ vì nuôi lợn mà có những xích mích, cãi cọ. Bởi lẽ, phân lợn của các hộ cứ tuồn ra ao, kênh mương khiến cho cả một vùng bốc mùi nồng nặc, môi trường ô nhiễm.

“Ấy nhưng, từ khi áp dụng đệm lót sinh học, khu chuồng trại luôn được xử lý không mùi, lợn béo hồng hào và luôn luôn sạch sẽ,” ông Mật chắc nịch.

Cùng chung niềm vui, ông Trịnh Viết Thiện, xóm 17, xã Giao Lạc (Giao Thủy, Nam Định) cho rằng nuôi lợn bằng "đệm lót sinh học” là hướng đi rất phù hợp, góp phần giảm khí phát thải nhà kính và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về tính tiện lợi của mô hình nuôi này, ông Thiện cho biết, nguyên liệu để làm đệm lót sinh thái là các nguồn chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn để làm nền chuồng nuôi thay cho nền bê tông. Trong suốt quá trình nuôi, toàn bộ chất thải của lợn thải ra nền chuồng sẽ tự động được vật liệu đệm lót trộn vi sinh khử mùi hôi thối.

Ông Thiện cũng cho biết, ngoài tác dụng khử mùi, phương pháp chăn nuôi này còn giúp người nuôi tiết kiệm điện, nước phục vụ việc vệ sinh chuồng nuôi. Thông thường, một lần đầu tư nguyên liệu (trấu, mùn cưa, bột ngô, chế phẩm sinh học) có thể sử dụng trong 4-6 năm.

Phấn khởi trước sự phát triển của bà con, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch hội Nông dân xã Giao Lạc khẳng định chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tại các hộ gia đình hiện không được khuyến khích vì gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, địa phương đã vận động bà con nuôi lợn bằng "đệm lót sinh học” để nâng cao giá trí kinh tế.

"Chúng tôi vẫn gọi đùa đây là mô hình tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, vì từ ngày địa phương áp dụng phương pháp chăn nuôi này, những chuyện cãi cọ vì mùi hôi thối đã không còn xảy ra và môi trường được đảm bảo,” ông Hùng tự hào nói.

Theo Vietnam plus

Các tin khác