Giống sắn HN5 đánh bay bệnh khảm lá

Sau hơn 7 tháng xuống giống, ruộng sắn HN5 của gia đình bà Nguyễn Thị Mai phát triển tốt, không bị bệnh khảm lá. Ảnh: Đăng Lâm.
Sau hơn 7 tháng xuống giống, ruộng sắn HN5 của gia đình bà Nguyễn Thị Mai phát triển tốt, không bị bệnh khảm lá. Ảnh: Đăng Lâm.

“Bệnh lạ” trên vườn sắn ở Ia Pa

Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh Gia Lai phát hiện bệnh khảm lá virus trên cây sắn. Bệnh xảy ra trên giống sắn HLS11, sau đó lây lan với tốc độ chóng mặt ở hầu khắp các địa phương có trồng sắn trên toàn tỉnh.

Bệnh khảm lá virus trên cây sắn cũng đã lan đến những vườn sắn của huyện vùng sâu Ia Pa - một trong những địa bàn trọng điểm trồng sắn của tỉnh Gia Lai. Không ít nông dân trồng sắn ở thời điểm đó đứng ngồi không yên khi bỗng nhiên vườn sắn của gia đình đang phát triển bình thường bỗng dần bị vàng lá, ngọn xoăn tít, đến thời điểm thu hoạch đào lên hầu như chỉ có… rễ.

Nguyên nhân của bệnh khảm lá sắn được cho là do nguồn bệnh sẵn có trong đất, đồng thời người dân sử dụng cây sắn đã bị nhiễm bệnh ở vụ trước làm hom giống để trồng lại, giống sắn không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường được người dân mua về trồng… Theo đó, bệnh lây lan rất nhanh từ địa phương này sang địa phương khác.

Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Ia Pa chưa có hom giống sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá virus, do vậy bệnh ngày càng lây lan nhanh, diễn ra trên diện rộng. Thống kê từ ngành nông nghiệp huyện Ia Pa cho biết: Vụ sắn năm nay, toàn huyện trồng được 10.000ha, trong đó phát hiện 30% diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá virus.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa cấp hom giống sắn kháng bệnh virus khảm lá cho các hộ dân ở xã Ia Tul. Ảnh: Đăng Lâm.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa cấp hom giống sắn kháng bệnh virus khảm lá cho các hộ dân ở xã Ia Tul. Ảnh: Đăng Lâm.

Lão nông Nguyễn Xuân Lục là người có thâm niên trồng sắn ở thôn Bình Tây (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Cây sắn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông từ nhiều năm nay. “Đang yên đang lành, tự nhiên vườn sắn đổ bệnh, lá vàng, ngọn xoăn, năng suất giảm hơn một nửa. Có những năm gia đình tôi không dám thu hoạch bởi tiền bán sắn không đủ trả công thuê người làm”, ông Lục cho biết.

Không riêng gì ông Lục mà rất nhiều vườn sắn ở huyện Ia Pa, người trồng sắn cũng đều có chung cảnh ngộ.

Hỗ trợ giống sắn kháng bệnh

Để cứu vãn những vườn sắn trước căn “bệnh lạ”, ngành nông nghiệp đã vào cuộc, tìm ra giống sắn kháng được bệnh khảm lá virus.

Theo đó, từ năm 2022, UBND huyện Ia Pa đã triển khai thí điểm mô hình trồng giống sắn HN5 trên địa bàn 3 xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó với tổng diện tích 20ha của 15 hộ dân. Với mô hình này, huyện hỗ trợ 13.000 hom giống/ha, người dân đối ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi các hộ thu hoạch, huyện thu hồi bằng số giống đã hỗ trợ trên diện tích đăng ký tham gia mô hình, sau đó cấp cho các hộ đăng ký trong năm tiếp theo.

Ông K'sor A Win ở thôn Ơi H'Trông (xã Chơ Mố, huyện Ia Pa) có 1,6ha sắn tham gia mô hình. Vài năm trước, vườn sắn 1,6ha của ông bỗng dung đổ bệnh, cho năng suất thấp. “Gia đình tôi đang tính chuyển hướng sang trồng cây khác thì được cán bộ động viên, cấp giống sắn mới kháng bệnh. Còn vài tháng nữa sẽ đến kỳ thu hoạch, nhưng vườn sắn hiện vẫn xanh tốt, đào thử thấy nhiều củ và củ to. Hi vọng năm nay được mùa sắn”, ông A Win chia sẻ.

Sau thời gian trồng thử nghiệm, giống sắn HN5 rất phù hợp phát triển trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Đăng Lâm.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, giống sắn HN5 rất phù hợp phát triển trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà Nguyễn Thị Mai (thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cho biết, gia đình có gần 9ha đất, chủ yếu trồng một số giống sắn như KM140, KM140. Từ khi xuất hiện bệnh khảm lá virus, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 20 tấn củ tươi/ha. Cuối năm 2022, gia đình được hỗ trợ trồng 1ha giống sắn HN5.

Theo bà Mai, sau hơn 7 tháng xuống giống, cây sắn phát triển tốt, cao hơn đầu người, cuống lá to xòe rộng kín hết mặt đất. Đặc biệt, ruộng sắn không có dấu hiệu bị bệnh khảm lá. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy giống sắn tốt như vậy. Còn hơn một tháng nữa mới thu hoạch nhưng khi nhổ thử, tôi thấy củ phát triển to, nhiều củ, ước năng suất đạt khoảng 35 - 40 tấn/ha”, bà Mai phấn khởi.

Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa cho hay, giống sắn HN5 sinh trưởng phát triển rất tốt, đặc biệt là kháng bệnh khảm lá 100%. Sau thời gian trồng thử nghiệm, giống sắn HN5 rất phù hợp để nhân rộng và phát triển trên địa bàn huyện. Do vậy, cuối tháng 6/2023, đơn vị đã tiếp tục nhân rộng mô hình ra 2 xã Ia Tul và Chư Mố với 12 hộ tham gia trên diện tích 17ha.

“Theo tính toán, bình quân 1ha sắn hiện tại sẽ cung ứng giống cho vụ sau được khoảng 10ha, theo đó phải mất 3 - 4 năm mới cơ bản phủ được giống kháng bệnh trên địa bàn huyện. Do đó, để rút ngắn thời gian, huyện vận động người dân chủ động mua giống sắn HN5 để đưa vào trồng nhằm cùng với địa phương sớm đẩy lùi bệnh khảm lá”, ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa cho biết.

Theo TRẦN ĐĂNG LÂM/ NNVN 

Các tin khác