Trồng táo VietGAP, lãi 340 triệu đồng/ha

Mô hình trồng táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: KS.
Mô hình trồng táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: KS.

Táo được xem là một trong những cây trồng chủ lực, có thế mạnh và là sản phẩm đặc thù của huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nói chung và xã Phong Phú (huyện Tuy Phong) nói riêng. Hiện diện tích táo của toàn xã Phong Phú khoảng 100ha, doanh thu từ loại cây trồng này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế nông hộ.

Để phòng sâu bệnh gây hại, nhất là ruồi vàng đục quả, các nhà vườn đều bao bọc bằng màng che phủ. Điều này cho thấy sự quan tâm đầu tư, chăm sóc của nông dân trồng táo.

Để tiếp tục giúp người dân xã Phong Phú tăng năng suất, đảm bảo chất lượng táo, tăng hiệu quả kinh tế, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã xây dựng mô hình “Thâm canh táo hướng hữu đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Mô hình này cũng hướng tới góp phần giúp nông dân địa phương có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây táo theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới và đạt sản phẩm OCOP (táo tươi) năm 2024.

Táo của mô hình cho thấy sinh trưởng phát triển khỏe, dễ ra hoa đậu quả, khi chín có màu xanh vàng, thịt quả màu trắng. Ảnh: KS.
Táo của mô hình cho thấy sinh trưởng phát triển khỏe, dễ ra hoa đậu quả, khi chín có màu xanh vàng, thịt quả màu trắng. Ảnh: KS.

Ông Hồ Công Bình, cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình (Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận) cho biết, mô hình được triển khai với diện tích 18ha, gồm 57 hộ dân tham gia, thời gian từ tháng 8 - 12/2023. Các hộ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ghi chép sổ nhật ký, các quy định và quy tắc khi sản xuất theo chuẩn VieGAP. Bên cạnh đó, các hộ được hỗ trợ 50% vật tư; 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận VietGAP khi áp dụng chính sách khuyến nông cho xã khó khăn.

Theo ông Bình, cây táo thực hiện tại mô hình có mật độ trồng 300 – 350 cây/ha. Giống táo trong mô hình gồm táo xanh, táo TN05 và táo bom Thái Lan. Chiều cao lồng che táo cao từ 3 - 3,5m, chất liệu sử dụng làm lồng là lưới cước, khung giàn lồng gồm tre và sắt.

Kết quả mô hình cho thấy, cây táo sinh trưởng phát triển khỏe, dễ ra hoa đậu quả và khi chín có màu xanh vàng, thịt quả màu trắng, ít nhớt và giòn, hương vị quả thơm nhẹ. Hơn nữa, với đặc trưng của xã Phong Phú có số giờ nắng cao, ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho cây táo phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng quả cao. Cụ thể, năng suất táo khoảng 50 tấn/ha, giá bán tại vườn từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 340 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 47 triệu đồng/ha, tức tăng hơn 16%.

Đặc biệt, thông qua mô hình, đã giúp các hộ dân nâng cao nhận thức về lợi ích từ việc áp dụng các phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học vào sản xuất nhằm góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hộ tham gia mô hình cũng tuân thủ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc BVTV khi phun phòng trừ trên cây táo để tạo ra sản phẩm an toàn.

Với hiệu quả mang lại, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai mô hình trồng táo tại huyện Tuy Phong. Ảnh: KS.
Với hiệu quả mang lại, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai mô hình trồng táo tại huyện Tuy Phong. Ảnh: KS.

Đến cuối năm 2023, toàn bộ 18ha táo thực hiện mô hình đã được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Với hiệu quả của mô hình thâm canh táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP, theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trồng táo tại huyện Tuy Phong theo hướng hiện đại, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất, minh bạch sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác các diện tích táo VietGAP đã được chứng nhận, hướng đến các chứng nhận cao hơn, trong đó sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ sẽ được đầu tư thực hiện. Ngoài ra, gắn vùng sản xuất táo với xây dựng thí điểm mô hình khuyến nông cộng đồng, gia tăng sự kết nối giữa người dân trồng táo với các tổ nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, mô hình vẫn xuất hiện một số đối tượng sâu hại như rệp sáp phấn, ruồi vàng, sâu đục trái, bọ trĩ… nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa phải can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật. Để mô hình tiếp tục đi vào chiều sâu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mong muốn địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo KIM SƠ/ NNVN 

Các tin khác