Phát triển cây mè

Có thể nói là đây là mô hình phù hợp, có tính cạnh tranh so với cây lúa. Mè vốn là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn (75 ngày) rất thích hợp gieo trồng trong khoảng thời gian chuyển tiếp 2 vụ lúa ĐX và HT. Đặc biệt là đối với vùng đất xám bạc màu thì cây mè tỏ rõ ưu thế thích nghi, ít sử dụng nước, thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đầu tư vốn ít, lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa.


Long An đẩy mạnh phát triển cây mè

Luân canh mè - lúa là một biện pháp thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa cây trồng của Nhà nước để vừa tạo thêm thu nhập cho nông hộ vừa phá thế độc canh cây lúa. Trong đó, tỉnh đã chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu mè, phối hợp với DN bao tiêu sản phẩm, cụ thể là TCty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Đây là điều kiện thuận lợi để giúp cho cây mè phát triển ổn định trong tương lai.

Năng suất trồng mè theo hình thức quảng canh bình quân đạt 0,5 - 0,8 tấn/ha, riêng một số nông hộ có đầu tư thâm canh thu được từ 1,2 - 1,4 tấn/ha. Với giá bán thời điểm của mè đen bình quân là 36.000 đ/kg, có lúc lên cao tới đỉnh điểm 40.000 đ/kg và mè trắng là 25.000 đ/kg, đỉnh điểm 38.000 đ/kg, ước tính lợi nhuận đạt được từ 10 - 20 triệu đ/ha.

Diện tích trồng mè chủ yếu tập trung ở các huyện Đức Huệ có khoảng 400 ha, Tân Hưng là 850 ha và Vĩnh Hưng khoảng 1.000 ha. Trong thời gian tới, theo chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thì diện tích trồng mè tiếp tục mở rộng vụ xuân hè 2014 ở Tân Hưng là 1.500 ha, Vĩnh Hưng là 1.500 ha, Đức Huệ khoảng 800 ha tập trung chủ yếu là mè đen (ĐH 1) và mè trắng (V6).

Thực hiện chỉ đạo của ngành về đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh thâm canh cây mè trên vùng đất xám, Trung tâm Khuyến nông Long An đang tiến hành thực hiện đề tài KHCN "Xây dựng quy trình thâm canh mè theo hướng cơ giới hóa trên vùng đất xám”.

Đề tài này tập trung nghiên cứu ứng dụng các giống mè, quy trình trồng mè thương phẩm theo đặc điểm sinh thái, thời vụ trên các vùng đất thích hợp, nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ, làm đất đến thu hoạch, phơi sấy.

Ngoài những thuận lợi nêu trên, trong quá trình tổ chức SX thời gian qua có một số giới hạn nhất định trong việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Cụ thể là thiếu cơ giới hóa đồng bộ, gieo mè chủ yếu là sử dụng phương pháp sạ tay, mật độ gieo sẽ dày, cây lùn, năng suất thấp. Việc thu hoạch và tách hạt, phơi sấy chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên dẫn đến chi phí cao, năng suất thấp, khó mở rộng diện tích.

Thị trường tiêu thụ mè không ổn định. Hiện tại TCty Dầu thực vật Việt Nam chỉ thu mua mè trắng, còn mè đen thì thị trường thường không ổn định nhưng có nhiều người vẫn chuộng trồng do dễ canh tác, năng suất cao, giá thu mua lại cao hơn mè trắng.

Nếu có sự quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu và có sự liên kết với DN bao tiêu sản phẩm thì mè đen vẫn có thể phát triển ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Theo NNVN

Các tin khác